1. Thực phẩm chức năng là gì?
Bộ Y tế Việt Nam định nghĩa thực phẩm chức năng: là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh.
Tuỳ theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, thực phẩm chức năng còn có các tên gọi sau: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, sản phẩm dinh dưỡng y học.
2. Phân biệt thực phẩm chức năng
❊Thực phẩm chức năng khác với thực phẩm
- Được sản xuất, chế biến theo công thức. Đó có thể là bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi. Việc bổ sung hay loại bớt phải được chứng minh và cân nhắc một cách khoa học và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (thường là phải theo tiêu chuẩn).
- Có tác dụng với sức khỏe nhiều hơn là các chất dinh dưỡng thông thường. Nghĩa là, thực phẩm chức năng ít tạo ra năng lượng cho cơ thể như thực phẩm thông thường.
- Liều sử dụng thường nhỏ, thậm chí tính bằng gram, miligram như là thuốc.
- Đối tượng sử dụng được chỉ định rõ ràng như người già, trẻ em, phụ nữ tuổi mãn kinh. Đặc biệt dành cho người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…
❊ Thực phẩm chức năng không phải là thuốc
- Đối với thực phẩm chức năng, nhà sản xuất công bố trên nhãn sản phẩm là thực phẩm. Thực phẩm chức năng phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn sức khỏe, phù hợp với các quy định về thực phẩm. Đối với thuốc, nhà sản xuất công bố trên nhãn là sản phẩm thuốc, có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh với công dụng, chỉ định, liều dùng, chống chỉ định. Thuốc là những sản phẩm để điều trị và phòng bệnh, được chỉ định để nhằm tái lập, điều chỉnh hoặc sửa đổi chức năng sinh lý của cơ thể.
- Có thể sử dụng thường xuyên, lâu dài nhằm nuôi dưỡng (thức ăn qua sonde), bổ dưỡng hoặc phòng ngừa các nguy cơ gây bệnh… mà vẫn an toàn, không có độc hại, không có phản ứng phụ.
- Người tiêu dùng có thể tự sử dụng theo “hướng dẫn cách sử dụng” của nhà sản xuất mà không cần khám bệnh, hoặc thầy thuốc phải kê đơn…
3. Đối tượng nào cần bổ sung thực phẩm chức năng (TPCN)
Dưới đây là những đối tượng sử dụng thực phẩm chức năng cần lưu ý:
- Người khỏe mạnh có chế độ ăn cân bằng, không cần dùng đến thực phẩm chức năng.
- Sử dụng cho đối tượng phụ nữ mang thai, dự định mang thai, đang cho con bú.
- Người trên 50 tuổi, người được chẩn đoán khiếm khuyết một hoặc một vài vitamin hoặc chất dinh dưỡng
- Người ăn chay; người được điều trị giảm cân.
- Người kiêng ăn một số loại thực phẩm do liên quan đến một số bệnh
- Đối tượng là người có hội chứng thiếu vi chất, rối loạn chức năng sinh lý nào đó…
- Đối tượng gặp các vấn đề tr hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn không trọn vẹn hoặc cần tiêu thụ nhiều hơn mức dinh dưỡng thông thường như:
– Bệnh nhân loãng xương cần nhiều Calci, vitamin D hơn so với lượng cung cấp từ bữa ăn hàng ngày.
– Bệnh nhân bị hội chứng Crohn, không dung nạp gluten khiến việc hấp thụ chất dinh dưỡng gặp khó khăn.
– Những người thiếu hụt vitamin B12 cần bổ sung thêm TPCN trong chế độ ăn hàng ngày.
– Sự kết hợp giữa vitamin C, vitamin E, các carotenoids, đồng và kẽm có thể làm chậm tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.
– Tác dụng hỗ trợ của Omega-3 đối với một số bệnh nhân tim mạch…
Để đảm bảo việc sử dụng thực phẩm chức năng là cần thiết và đem lại lợi ích cho sức khỏe cần tuân theo tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4. Những hệ lụy khi sử dụng TPCN không đảm bảo chất lượng, lạm dụng TPCN
❊ Sử dụng TPCN không đảm bảo chất lượng
Hiện tại trên thị trường Thực phẩm chức năng được bán rộng rãi, tuy nhiên không phải sản phẩm nào cũng đảm bảo chất lượng. Cần hết sức cẩn trọng với những Thực phẩm chức năng có các dấu hiệu:
- Nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng
- Thực phẩm chức năng “xách tay” từ nước ngoài, hàng bán online không được cấp phép lưu hành tại Việt Nam
- Mẫu mã bao bì sản phẩm nhái với những sản phẩm Thực phẩm chức năng được cấp phép.
- Không có hướng dẫn sử dụng, thông tin sản phẩm rõ ràng.
❊ Khi sử dụng TPCN không đảm bảo chất lượng có thể dẫn tới:
- Rủi ro cho sức khỏe: Sản phẩm không đảm bảo chất lượng có thể chứa các thành phần độc hại hoặc có tiềm năng gây hại cho sức khỏe. có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm dị ứng, ngộ độc, và các tác dụng phụ khác.
- Tiêu hao tài chính: Người tiêu dùng có thể phải chi tiền vào sản phẩm không đảm bảo chất lượng mà không nhận được giá trị tương xứng.
❊ Lạm dụng thưc phẩm chức năng
Việc lạm dụng hoặc uống nhiều thực phẩm chức năng cùng một lúc sẽ gây hại cho sức khỏe. Bởi vì, trong đa số các thực phẩm chức năng sẽ chứa nhiều các dưỡng chất như vitamin, khoáng chất, chất xơ… Dưới đây là những tác dụng phụ khi sử dụng, lạm dụng thực phẩm chức năng:
❊ Đối với nhóm vitamin tan trong dầu
- Vitamin A : Gây buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, dị tật bẩm sinh, vấn đề về gan, loãng xương… Tác dụng có thể trầm trọng hơn ở bệnh nhân mắc bệnh gan, Cholesterol máu cao, thiếu protein.
- Vitamin D (Calciferol): Gây buồn nôn, chán ăn, sụt cân, táo bón, vấn đề về nhịp tim…
- Vitamin E và K: Tương tác với thuốc chống kết tập tiểu cầu.
❊ Đối với nhóm vitamin tan trong nước
- Vitamin B3 (Niacin): Gây đỏ mặt, kích ứng dạ dày.
- Vitamin B6 (Pyridoxine, pyridoxal, pyridoxamine): Gây tổn thương thần kinh chi, gây tê, run rẩy và đau.
- Vitamin C (Ascorbic acid): Gây kích ứng dạ dày, sỏi thận, tăng hấp thu sắt…
- Acid folic (Folate): Liều cao, nhất là ở người già, có thể che khuất dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12 gây tổn thương thần kinh.